Long Phú cải thiện nâng đời sống người dân từ xây dựng nông thôn mới.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, thực hiện xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển với nhiều kết quả đạt được từ triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Long Phú đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tăng trên 11 triệu đồng so với năm 2015. Thu nhập bình quân ở nông thôn cao nhất là ở xã Long Đức, Song Phụng, Trường Khánh và Tân Thạnh, từ 46,9 triệu đồng/người/năm đến gần 50 triệu đồng/người/năm. Thấp nhất là 02 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là Tân Hưng và Long Phú (34 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2015 là 5.349 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 19%; hộ cận nghèo trên 3.000 hộ, chiếm tỷ lệ 10,69%. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện thoát nghèo được 4.020 hộ, giảm 14,14%. Hiện số hộ nghèo chỉ còn 1.377 hộ, chiếm 4,89%; hộ cận nghèo giảm 1.114 hộ, tỷ lệ giảm gần 4%, hiện hộ cận nghèo chỉ còn 1.892 hộ, chiếm tỷ lệ 6,71%, giảm bình quân từ 2,5% - 3,5%/năm, riêng các xã có đồng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống giảm bình quân từ 4% - 5%/năm.
Ông Lâm Văn Vũ – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết : “ Xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện, công tác ứng dụng, chuyển giao giống mới; kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh và các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tăng cường áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng”. Cùng với đó, huyện luôn tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mang lại hiệu quả tích cực : Điển hình như Dự án phát triển lúa đặc sản ở 07 xã trong khu vực Dự án thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhựt với diện tích 11.000 ha; Dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản theo chuỗi giá trị với diện tích 150 ha và Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat) với diện tích 6.000 ha; diện tích sản xuất các giống lúa đặc sản ngày càng được nâng lên, sản lượng đều đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm, bình quân đạt 250.000 tấn/năm, trong đó lúa đặc sản chiếm 65%; có 40 ha diện tích lúa được chứng nhận VietGAP; phát triển được 05 nhà lưới trồng rau, màu an toàn, với diện tích 1,31 ha; có gần 12 ha rau, màu được chứng nhận VietGAP. Đặc biệt là huyện còn triển khai Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh, Dự án phát triển cây ăn trái theo chuỗi giá trị, mô hình trồng dừa dứa … nâng diện tích vườn cây ăn trái của huyện khoảng 2.600 ha. Diện tích nuôi tôm trên 413 ha, ước năng suất bình quân 6,04 tấn/ha, sản lượng 2.496 tấn. Ngành chức năng từng bước hướng dẫn nông dân ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như GAP, GlobalGAP … trồng nhãn, bưởi, thanh long … ổn định, giá thị trường cao và tiếp tục mở rộng diện tích ở thị trấn Long Phú, Châu Khánh, Phú Hữu, Trường Khánh, Tân Thạnh và Song Phụng; sản xuất cây chanh ổn định và hiệu quả ở xã Song Phụng và Trường Khánh … Từ mô hình kinh tế kinh doanh tổng hợp của gia đình ông Đặng Hữu Công (ở xã Song Phụng) ông Nguyễn Văn Dũng (xã Trường Khánh) ông Nguyễn Văn Phát (xã Châu Khánh) ộng Ông Văn Chiến; ông Sơn Sang (ở thị trấn Long Phú) … là những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập bình quân hàng năm từ 450 triệu đồng đến gần 01 tỷ đồng/năm, mới thấy chương trình xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ : “Thời gian trước, tôi trồng lúa cho năng suất và hiệu quả kinh tế không cao, trong một lần tình cờ xem tivi ông phát hiện cây chanh không hạt đem lại lợi nhuận và thích nghi với vùng đất địa phương. Năm 2007 ông cải tạo 8.000m2 đất lúa chuyển sang trồng thử nghiệm cây chanh không hạt, tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 36 triệu đồng, trồng 80 cây giống/1.000m2. Sau 18 tháng chăm sóc chanh bắt đầu cho thu hoạch, bán được giá và năng suất cao đã đem về nguồn lợi nhuận khá cho gia đình. Thấy có hiệu quả kinh tế, nên đến nay ông đã phát triển với tổng diện tích được 3,1ha vườn trồng chanh không hạt, năng suất đạt 3tấn/1.000m2/năm, với giá bán bình quân 12.500đ/ký, thu được hơn 1 tỷ 160 triệu đồng, trừ đi chi phí ông còn lời trên 990 triệu đồng/năm”.

Chú thích ảnh : Mô hình chuyên màu xã Trường Khánh.
Theo ông Dũng, bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước về vốn, khoa học – kỹ thuật, trong sản xuất kinh doanh phải học hỏi, áp dụng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Dương Thị Hồng Diễm – Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Phú cho biết : “ Hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện vận động nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông dân văn minh, hiện đại. Ngoài tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện còn hỗ trợ nông dân được tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình điểm trình diễn để nông dân học tập, áp dụng vào sản xuất; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất – kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn”.

Chú thích ảnh: Nông dân tưới nước cho vườn chanh.
Cùng với đó, huyện xây dựng và triển khai các dự án phát triển sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và tăng năng suất, chất lượng, sản lượng, đáp ứng yêu cầu chế biến nông sản – thủy sản xuất khẩu. Sản xuất, canh tác trên đồng đất Long Phú từng bước cơ giới hóa do huyện thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay gần 18 tỷ đồng để mua các loại máy, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp. Trong xây dựng nông thôn mới, phong trào kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Long Phú luôn được giữ vững và phát triển, với 17 hợp tác xã nông nghiệp và trên 30 tổ hợp tác thu hút gần 2.000 thành viên tham gia. Có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện liên kết hợp tác trong sản xuất, ứng dụng đồng bộ các giải pháp về khoa học kỹ thuật, giúp nông dân tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Ngoài ra, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Bình quân hằng năm, huyện giải quyết việc làm mới cho hơn 3.300 lao động, trong đó dạy nghề và truyền nghề cho gần 1.500 lao động.
Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân giữ được ổn định, đời sống một bộ phận nông dân được cải thiện và nâng lên đáng kể, trở thành triệu phú, tỷ phú và nhiều hộ nghèo xóa nghèo bền vững vươn lên khá giàu. Huyện có trên 95% hộ nông dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, trên 99% sử dụng điện, hộ xây dựng nhà ở kiên cố, bán kiên cố khang trang tăng từ 50% năm 2010 lên gần 90% hiện nay.
Bài và ảnh : Sóc Ca.